Cừ Tràm Và Những Lưu ý Khi Thi Công Đóng Cọc
1. Sử dụng cừ tràm hay cọc bê tông cốt thép?
Nếu nói cọc cừ tràm nhỏ gọn, linh động như xe hai bánh thì cọc bê tông cốt thép được ví như xe bốn bánh có thể đi xa và chở được nhiều người
Moto có kích thước nhỏ nên cơ động trên đường hẹp và hao tốn ít nhiên liệu, còn oto đi đường trường thoải mái mà lại hao tốn nhiên liệu. Do đó, tùy vào trường hợp mà ta sử dụng xe moto hay oto, sử dụng cừ tràm hay bê tông cốt thép. Nếu dùng cừ tràm thì sự tính toán về mặt kỹ thuật và kết cấu phải chính xác, thi công đúng thiết kế tránh tình trạng gian dối gây sụp lún. Thường thì những công trình ít tầng, xây trong khu đất nhỏ, hẹp về giao thông thì việc sử dụng cừ tràm là phương án tốt, do nếu sử dụng cọc bê tông cốt thép thì sẽ khó khăn trong quá trình vận chuyển hay di chuyển cọc vào đúng vị trí dễ bị ngáng bởi các vật cản. Ngược lại, những công trình cao hơn 5 tầng thường nằm ở khu thoáng đãng, giao thông thuận lợi nên sử dụng cọc bê tông cốt thép là phương án tốt.
2 Trường hợp nên sử dụng cọc cừ tràm:
Những vùng đất bùn, đất xốp thì nên sử dụng cừ tràm, do đất này có sức chịu tải rất thấp. Cọc cừ tràm sử dụng thường theo chuẩn như sau:
Chiều dài 4-5m, gốc cừ có đường kính tầm 120-150mm, đường kính ngọn tầm 60-80mm, mật độ đóng cừ thường là 25 cây mỗi mét vuông.
Phải làm cho cừ tràm và móng liên kết chắc chắn như là một khối, vì cừ tràm khi vào đất sẽ truyền tải từ trên xuống theo suốt chiều dài thân cừ tràm, liên kết chắc chắn với móng giúp cừ tràm chịu được các lực trượt rung gây ra tại đáy móng mà không bị trình trạng cắt cọc.
Các lực rung , trượt xuất hiện khi móng bị phá, lớp đất đá dưới đáy móng sẽ hình thành cung trượt. Từ đó mà yêu cầu số lượng, đường kính của cừ tràm phải đủ để chịu lực trên.
Sau khi đóng cừ, sức chịu tải của đất sẽ đạt tầm 0.8 – 1kg mỗi cm vuông.
3. Những lưu ý khi đóng cọc cừ tràm:
Do trường hợp phá móng phát sinh cung trượt như đã nêu trên, khi thi công đóng cừ tràm , phải đóng cừ lấn ra ngoài diện tích móng, mỗi cạnh lấn từ 10-20 cm nhằm tăng sức chịu đựng lực rung cắt của cung trượt.
Có ý kiến cho rằng nên đóng cừ chung quanh trước rồi đóng vào trong, ý đồ muốn đất nén chặt lại trong phạm vi đóng cừ, nhưng thực chất việc này chỉ là vô nghĩa và gây thêm khó khăm trong việc thi công, đơn giản vì đất bùn không thể bị nén chặt lại bởi những cọc cừ.
Ngoài ra, thói quen của một số người khi thi công là phải đặt phần đầu của cừ tràm nằm dưới mực nước ngầm thấp nhất, điều này dẫn đến việc đáy móng sẽ phải đặt khá sâu, gây khó khăn hơn cho việc thi công, mất thêm thời gian đáng kể nếu gặp phải mùa mưa. Thực chất theo cái tài liệu nuyên cứu của nghành địa chất thì đất nằm trên mực nước ngầm độ bão hòa vẫn cao, đất vẫn ẩm ướt , không khác đáng kể gì so với lớp đất dưới mực nước ngầm, vì vậy vẫn đủ độ ẩm để đầu cừ tràm không bị khô và không quá ẩm ướt để đầu cừ tràm bị mục. Do đó, tùy theo địa chất , ta vẫn có thể đặt đầu cừ tràm cao hơn mực nước ngầm, chủ yếu là vẫn đủ điều kiện độ ẩm cho đầu cừ tràm.
Cần chú ý một số vùng có đất sét, nước mao dẫn có thể lên đến 5-6m.
Thêm một thói quen không rõ nguồn gốc mà chúng ta nên tránh là phủ lớp cát dày lên đầu cừ tràm sau khi đóng mà một số người vẫn hay làm. Do khi làm vậy, lớp cát có thể len lỏi vào lớp bùn hay vào các lỗ khí rỗng bên trong lớp bê tông lót vì áp lực của đáy móng, chưa kể cát cũng có thể dịch chuyển theo dòng chảy, hoặc khi bên cạnh có công trình đào móng, cát sẽ gây sụp lở,.. những trường hợp trên đều là nguyên nhân gây lún hay lún không đều.
Một trường hợp khác cũng hay gây tình trạng lún hay lún không đều là thi công sơ sài lớp bê tông lót, cứ rải đá 4×6 rồi trải xi măng lên trên và cán bằng. Khi đó, dưới áp lực của đáy móng, kết cấu của lớp bê tông lót bị vỡ hoặc biến dạng rồi gây nên sụp lún. Do đó, không nên xem thường chức năng của lớp bê tông lót, phải rải đá 1×2 trực tiếp lên đầu cừ rồi trải xi măng để tạo liên kết thành một khối vững chắc với đầu cừ.